TS. Phan Đăng Phong cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, bảo vệ thị trường cho ngành cơ khí bằng cách lồng ghép các chương trình phát triển.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn xác định khoa học công nghệ là một trong những động lực, đột phá chiến lược góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Hiện thực hóa chủ trương này, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QÐ-TTg. Trên cơ sở này, tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2795/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030. Trong đó nêu nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả khoa học công nghệ trong bối cảnh mới.
Để biết thông tin về những kết quả đạt được, cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy công tác khoa học công nghệ của ngành Công Thương trong giai đoạn tới, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương).
- Thưa ông, là viện nghiên cứu lĩnh vực quan trọng của Bộ Công Thương, ông có thể cho biết năm 2024, đơn vị đã được Bộ giao triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ gì? Và kết quả như thế nào?
TS. Phan Đăng Phong: Là viện nghiên cứu đầu ngành của Nhà nước về cơ khí và tự động hóa, trong những năm gần đây Viện tập trung chủ yếu vào các đề tài nghiên cứu, tiếp nhận và làm chủ công nghệ, dây chuyền thiết bị trong các lĩnh vực công nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất nguyên vật liệu, lĩnh vực về khai thác và chế biến khoáng sản… từ đó tạo ra các sản phẩm truyền thống mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Viện. Ngoài ra, năm 2024, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Viện tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành cơ khí.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Quốc Chuyển
Thứ nhất, nhiệm vụ về nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ cho công nghiệp, năng lượng tái tạo khu vực biển đảo hay hải đảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Gần đây nhất là đề án phát triển thiết bị cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội hóa theo Quy hoạch điện VIII. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Bộ Công Thương giao cho Viện chủ trì. Thành công của đề án không những sẽ góp phần nâng cao năng lực của các đơn vị cơ khí trong nước, giảm giá thành đầu tư, giảm nhập siêu mà còn giúp đảm bảo về an ninh năng lượng khi có thể tự chủ chế tạo được các thiết bị cho ngành năng lượng.
Theo Quy hoạch điện VIII, có thể đầu tư mới khoảng 32.000M điện khí và khoảng 23.000M điện gió. Theo tổng hợp của Viện, 1M điện khí bằng khoảng 0,97 triệu USD sản phẩm thiết bị và điện gió khoảng 1,4 triệu USD, như vậy sẽ có thị trường để phát triển thiết bị khoảng 64 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Như vậy, chỉ cần nội địa hóa được khoảng 40% giá trị trong đó thị trường cơ khí sẽ có được khoảng 2,6 tỷ USD/năm. Đây là dung lượng thị trường rất lớn, nếu thành công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới sẽ phát triển theo, đồng thời tăng tỷ lệ thiết bị công nghiệp hỗ trợ.
Thứ hai, Viện cũng đang phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trong đó Hiệp hội đang được giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài liên quan đến nội địa hóa đường sắt nội đô và đường sắt tốc độ cao, cũng như xây dựng các cơ chế chính sách liên quan. Viện đang là thành viên của Hiệp hội cũng đang phối hợp để cùng xây dựng cơ chế chính sách phát triển các thiết bị cho ngành giao thông đường sắt trong thời gian tới. Khi những đề án này hoàn thành và cơ chế chính sách ra đời sẽ tạo đòn bẩy cũng như cơ chế ưu đãi phát triển cho các doanh nghiệp cơ khí.
- Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020, nhiều báo cáo chỉ ra vẫn còn điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Vậy đối với lĩnh vực cơ khí, những khó khăn, điểm nghẽn là gì?
TS. Phan Đăng Phong: Sau 10 năm thực hiện chiến lược khoa học công nghệ, mặc dù đã đạt rất nhiều thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ. Có thể kể đến, chúng ta đã thành công trong việc thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng, hay trong các thiết bị cơ khí thủ công cung cấp cho ngành điện…
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, điểm nghẽn, nếu giải quyết được sẽ có những phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới. Ví dụ, việc đầu tư cho cơ khí, đặc biệt là trang thiết bị trong chế tạo cơ khí rất lớn và tốn kém. Tuy nhiên, thị trường trong ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam còn nhỏ và nhiều khi là manh mún, chưa có chiến lược tổng thể quốc gia đầy đủ để lồng ghép các chương trình phát triển của các ngành kinh tế với chương trình phát triển trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Ngoài ra, quá trình đăng ký xét chọn đề tài cấp bộ, hay cấp Nhà nước đang còn quá dài, nhiều khi không phù hợp với thực tế tiến độ của cơ sở ứng dụng, thông thường phải mất ít nhất một năm, có những đề tài phải đăng ký 2-3 năm mới bắt đầu giải ngân. Như vậy, khi bắt đầu có kinh phí giải ngân cho nghiên cứu khoa học lúc đấy sản phẩm lại không mang tính thời sự.
Đồng thời, về định mức đơn giá thuê chuyên gia nước ngoài trong việc mà chuyển giao công nghệ, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có định mức rõ ràng.
- Đối với ngành cơ khí - lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp, theo ông nên tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất?
TS. Phan Đăng Phong: Thứ nhất, đối với lĩnh vực cơ khí khi xây dựng quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế nên lồng ghép các chương trình phát triển cơ khí, các cơ chế chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển cơ khí vào trong chương trình quy hoạch. Song song việc đó các bên liên quan nên xây dựng các chuỗi đề tài gần với lĩnh vực này; khi hoàn thành các chuỗi đề tài chúng ta đồng thời hoàn tất việc chuyển giao công nghệ của toàn bộ hệ thống thiết bị của lĩnh vực đó. Như vậy, chỉ khi làm chủ được một lĩnh vực nào đó mới có khả năng thay đổi sản phẩm, khả năng giảm giá thành cũng như khả năng tự chủ trong các vấn đề về công nghệ.
Thứ hai, nguồn lực tài chính rất hạn chế, do vậy nên tập trung tài chính cho các đề tài một cách chọn lọc, tránh dàn trải dẫn đến đề tài nào cũng không đủ kinh phí thực hiện, đặc biệt là tập trung vào khoa học công nghệ liên quan đến mua và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị toàn bộ. Vì chỉ khi làm chủ công nghệ mới tự chủ trong quá trình cải tiến sản phẩm, giảm giá thành, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm phụ trợ…
- Để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong ngành cơ khí, thích ứng với bối cảnh mới, ông có đề xuất, kiến nghị gì với cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp?
TS. Phan Đăng Phong: Thứ nhất, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, bảo vệ thị trường cho ngành cơ khí bằng cách lồng ghép các chương trình phát triển, các ngành kinh tế quốc gia với chương trình phát triển cơ khí chế tạo.
Thứ hai, cần đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong kinh phí tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đối với một số dây chuyền, thiết bị đồng bộ có dung lượng thị trường lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt đô thị, điện gió ngoài khơi, lĩnh vực điện khí… Nếu như có những chính sách hợp lý sẽ tạo được dung lượng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Thứ ba, việc đặt hàng các sản phẩm khoa học công nghệ, nên có cải tiến đăng ký đề tài, sau đó đến khi bắt đầu thực hiện cần ngắn gọn. Như vậy sẽ giúp cho phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, mặc dù rất ít nhưng thực sự giúp cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ cũng như trong tiếp cận ban đầu.
Xin cảm ơn ông!
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ô tô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Nguồn:https://congthuong.vn/chinh-sach-dong-luc-phat-trien-cho-nganh-co-khi-viet-nam-369040.html
Viết bình luận