TTO - Theo nghị định 126 hướng dẫn Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12 tới, ngân hàng (NH) phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế để chống thất thu thuế. Vì thế, người dân cần rõ ràng trong các giao dịch tài chính.
Với quy định mới, các hoạt động như livestream bán hàng sẽ bị ngành thuế giám sát qua tài khoản nếu người kinh doanh không tự kê khai nộp thuế - Ảnh minh họa: T.T.D.
Đồng thời, NH cũng phải khấu trừ thuế nhà thầu của Google, Facebook, YouTube... trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy cần phải thực hiện gì để các quy định trên đạt được hiệu quả?
Khách hàng phải rạch ròi
Chị Phương Nhi (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng với các quy định mới này, người nộp thuế sẽ phải "chỉn chu" hơn khi những khoản thu nhập nhận qua tài khoản sẽ không thể giấu được.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), người nộp thuế cần hết sức lưu ý khi mở và sử dụng tài khoản NH.
Với các khoản chuyển tiền và nhận tiền cần ghi rõ mục đích trong từng giao dịch để có thể dễ dàng giải trình với cơ quan thuế khi cần thiết, tránh trường hợp bị hiểu nhầm tất cả đều là thu nhập được nhận, nhất là những trường hợp sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền ủng hộ, đóng góp, từ thiện.
Ngoài ra phải kê khai quyết toán thuế đầy đủ, đúng hạn để tránh trường hợp bị truy thu, tính tiền chậm nộp.
Người nộp thuế cũng phải tự bảo vệ mình, "tuyệt đối không mở tài khoản tràn lan, thậm chí bán tài khoản hay cho người khác mượn CMND để mở tài khoản mà không rõ mục đích, vì khả năng sau này bị cơ quan công an, cơ quan thuế "sờ gáy" rất cao" - ông Nghĩa chia sẻ.
Ngân hàng nói gì?
Ông Lê Hoàng Tùng - kế toán trưởng Vietcombank - cho biết theo yêu cầu của cơ quan thuế, NH có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế, ngày mở và đóng tài khoản cho cơ quan thuế. Thời gian thực hiện trong 90 ngày kể từ ngày 5-12 nghị định có hiệu lực.
Ngoài ra, NH sẽ phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư, lịch sử giao dịch của khách hàng cho cơ quan thuế khi có yêu cầu đối với những trường hợp, vụ việc cụ thể để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế.
Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn khó thực hiện ngay được việc cung cấp mã số thuế của từng khách hàng vì hiện chưa có quy định khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp thông tin này cho NH.
Thêm nữa, mỗi NH đang quản lý hàng chục triệu tài khoản (như Vietcombank là khoảng 18 triệu) trong khi yêu cầu là ngày 5-3-2021, các NH thương mại phải thực hiện xong việc này.
Lãnh đạo một NH lớn tại Hà Nội cũng cho rằng đây là quy định không hợp lý, vì mã số thuế của người nộp thuế là do cơ quan thuế cấp và quản lý. "Trường hợp khách hàng không cung cấp hoặc cung cấp không đúng mã số thuế thì sao?" - vị này đặt vấn đề.
Để triển khai nội dung này, theo ông Tùng, NH Nhà nước cần quy định khi mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp mã số thuế cho NH.
Với những tài khoản đã mở, NH sẽ đề nghị khách hàng bổ sung mã số thuế. Do đó, việc NH cung cấp thông tin tài khoản ứng với mã số thuế thì cần phải có thời gian vì khối lượng công việc vô cùng lớn.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Đoàn Thái Sơn - phó thống đốc NH Nhà nước - gợi ý dựa vào dữ liệu về tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản, CMND, căn cước công dân của khách hàng mà NH cung cấp, cơ quan thuế sẽ đối chiếu ra mã số thuế tương ứng khi về nguyên tắc mỗi số CMND hay căn cước công dân chỉ có một mã số thuế.
Ngân hàng ngại khấu trừ thuế
Một điểm mới của nghị định 126 là quy định các NH có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn đối với các khoản thu nhập từ các giao dịch điện tử phát sinh từ Google, Facebook, YouTube... Ông Tùng cho rằng các NH thương mại chỉ cung ứng các dịch vụ thanh toán.
Do vậy, trên thực tế, các NH không đủ thông tin xác định khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế.
Ví dụ có người nhận tiền chuyển từ Google, Facebook, YouTube... nhưng làm sao NH biết được tiền thu nhập từ quảng cáo hay từ dịch vụ gì. Cơ sở nào để NH thu khấu trừ thuế của khách hàng thì cần phải có quy định chi tiết tại thông tư hướng dẫn nghị định này.
Mặt khác, nghị định 126 quy định NH thương mại, các trung gian thanh toán cũng khấu trừ, nộp thay tiền thuế cho từng loại hàng hóa, dịch vụ mà người mua ở trong nước thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài không thường trú tại VN.
Ông Tùng cho rằng như Google, Facebook... do không có đăng ký kinh doanh, nộp thuế trực tiếp ở VN, NH sẽ thu hộ tiền thuế trước khi cá nhân, tổ chức trong nước chi trả tiền sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp.
Tuy nhiên để NH thu hộ tiền thuế này, ông Tùng đề xuất quy định tới đây phải buộc bên chi trả nêu rõ nội dung chuyển tiền là gì, tốt nhất là cần có sự đồng thuận của người chuyển tiền để NH khấu trừ thuế thu nhập. Nhưng với trường hợp bên mua thanh toán cho bên bán trên Internet banking thì NH khó kiểm soát được.
Ông Đinh Quang Hiếu - giám đốc NH nhà nước chi nhánh Quảng Bình - đề xuất cơ quan thuế phải có hướng dẫn rất rõ về nội dung này. NH không thể tính số tiền thuế của từng loại dịch vụ, mặt hàng, làm thay cơ quan thuế được.
Để NH nộp thay tiền thuế, chi cục thuế quản lý phải thông báo bằng văn bản cho NH về tên người mua, tổ chức cung ứng dịch vụ, hàng hóa với doanh thu, mức thuế và tương ứng số tiền thuế phải nộp.
Trên cơ sở đó, NH sẽ khấu trừ tiền thuế và nộp vào ngân sách. Còn nếu không có đề nghị của chủ tài khoản hay thông báo thuế của cơ quan thuế, NH thu không đúng thì sẽ dễ bị kiện.
Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin
Ông Đặng Ngọc Minh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho rằng người ta hay nghe nói các NH Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối nhưng gần đây Cộng đồng châu Âu và chính quyền Thụy Sĩ đã đấu tranh và các NH Thụy Sĩ không còn quy định này nữa, đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Về phía cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật những thông tin được NH cung cấp, với từng nội dung thông tin về thu nhập của từng cá nhân, doanh nghiệp.
Cơ quan thuế có rất nhiều thông tin về người nộp thuế và cơ quan thuế phải có trách nhiệm bảo mật thông tin cùng cả các thông tin về tài khoản NH.
Chủ yếu phục vụ cho thanh tra, kiểm tra
ng Đặng Ngọc Minh cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với NH Nhà nước và các NH ban hành quy chế, quy trình cung cấp dữ liệu tài khoản thanh toán của khách hàng.
Cơ quan thuế không yêu cầu NH cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả các khách hàng. Việc yêu cầu NH cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra.
Ông Đặng Ngọc Minh
"Liên quan đến nghĩa vụ khấu trừ thuế của khách hàng mà các tổ chức tín dụng phải thực hiện, thì trường hợp các tổ chức cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới không đăng ký thuế trực tiếp tại VN thì căn cứ vào các khoản thanh toán từ VN ra nước ngoài, các tổ chức tín dụng sẽ khấu trừ thuế.
Tổng cục Thuế sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể đối tượng và trường hợp nào thì các NH thương mại sẽ thực hiện khấu trừ.
Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ mời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài sang làm việc để họ có thể ủy quyền cho các bên tư vấn ở VN kê khai thay hoặc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình" - ông Minh khẳng định.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết số lượng người tại VN có thu nhập từ các tổ chức như Google, Facebook, YouTube... rất nhiều.
Tuy nhiên thời gian qua người nhận tiền không tự giác kê khai thuế, trong khi nhiều NH không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế với lý do giữ bí mật thông tin khách hàng.
Cũng theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, nhiều NH không chịu cung cấp danh sách tất cả những trường hợp có thu nhập từ các trang mạng nước ngoài để cơ quan thuế rà soát mà yêu cầu cơ quan thuế phải nêu cụ thể tên cá nhân, số tài khoản mới chịu cung cấp trong khi đây là yêu cầu quá khó vì cá nhân hoạt động trên môi trường mạng, sử dụng "nickname" chứ không phải tên thật.
Việc dò tên thật cũng khó nói gì tới số tài khoản vì nhiều khi số tài khoản các cá nhân này cung cấp là ảo hoặc có nhiều tài khoản.
Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến:
Đổi tư duy né thuế
Có một thực tế là nhiều người quen với việc trốn, né thuế, thậm chí đem "kinh nghiệm" này chỉ cho nhau.
Nguyên nhân của thực trạng này có phần từ nền tảng quản lý thuế (nhất là công nghệ thông tin) chưa tốt. Sự bất công bằng trong trách nhiệm đóng thuế dẫn đến tâm lý tị nạnh, so sánh, người này trốn được thì mình cũng trốn được.
Quy định phía NH phải thực hiện việc cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, thông tin giao dịch... cho cơ quan thuế là bình thường và phù hợp với xu thế tiến bộ chung với nhiều nước trên thế giới.
Minh bạch hóa, công bằng thu thuế là yêu cầu tất yếu để Chính phủ bảo đảm nguồn thu ngân sách chi cho các hoạt động quản lý xã hội, bảo đảm quyền lợi an sinh, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp... cho người dân.
Mỗi người dân cũng cần thay đổi tư duy trốn, né thuế, làm quen với việc trách nhiệm đóng thuế sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện công bằng.
Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần những quy định cụ thể
Hiện có ý kiến băn khoăn về việc bảo mật thông tin giao dịch, tài khoản của khách hàng đã được các quy định pháp luật về NH, tín dụng bảo vệ.
Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật, Luật quản lý thuế ra đời sau, phát sinh hiệu lực nên các NH, tổ chức tín dụng phải chấp hành. Về góc độ quản lý thì yêu cầu trên bảo đảm việc thu thuế công bằng, hiệu quả đối với tất cả mọi cá nhân, tổ chức thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, tránh việc né, trốn thuế.
Thời gian tới, cơ quan quản lý thuế cần phải phối hợp với NH để ban hành quy định cụ thể như trường hợp nào thì NH phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế?
Trình tự, thủ tục cung cấp ra sao? Vấn đề sử dụng và bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng trong quá trình phối hợp của hai cơ quan ra sao?...
THÁI AN ghi
Viết bình luận